Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Kinh nghiệm hút sữa bằng máy, kích sữa, cách làm tăng lượng sữa mẹ sau sinh

Mình đã có dự định viết bài về vấn đề này từ lâu nhưng cứ chần trừ mãi tới tận hôm nay khi nhận được tin nhắn của các bạn gái mình xin chia sẻ chút kinh nghiệm mọn mà mình đúc rút được với các bạn gái đã, đang và sẽ sinh con, dự định nuôi con bằng sữa mẹ. Sở dĩ mình nói đã vì có thể có mẹ sinh tiếp tập 2 mà chưa có nhiều kinh nghiệm cho tập đầu như mình chẳng hạn.

Vâng, sữa mẹ luôn là lựa chọn “tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, không gì có thể thay thế được sữa mẹ, câu này ta nghe hoài phải không các mẹ? Sữa mẹ giúp trẻ thông minh, phát triển tốt, khỏe mạnh, tránh bệnh vặt, tránh béo phì,..Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm, kiến thức cũng như sự kiên trì để gọi sữa về và duy trì nguồn sữa cho con bú. Hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay các hãng sữa bò, sữa dê quảng cáo quá rầm rộ làm cho số lượng bà mẹ Việt Nam mình cho con bú ngày càng giảm. Nhưng các mẹ có biết không, vấn đề sữa giả, sữa kém chất lượng,thực phẩm bổ sung núp dưới danh sữa cũng khiến cho các bà mẹ băn khoăn, lo lắng rất nhiều.

Rất nhiều bài báo nếu các mẹ tìm đọc thì hầu hết các bà mẹ đều có thể nuôi con bằng sữa mẹ, có đủ sữa cho con bú kể cả các bà mẹ ăn chay. Ngoại trừ một vài trường hợp bà mẹ không thể cho con bú mà thôi.

Vậy làm sao để chuẩn bi nguồn sữa mẹ tốt?

1. Giai đoạn mang thai:

• Có rất nhiều bài báo viết về vấn đề này mà các mẹ có thể goole search là ra liền, mình không đi chuyên sâu vào vấn đề này nhiều. Tuy nhiên để mẹ khỏe mạnh, có nguồn sữa tốt thì ngay từ khi mang bầu các mẹ nên ăn uống đầy đủ, uống sữa bầu nếu có thể, uống sữa tươi, sữa đậu nành các loại,.. Uống canxi, viên bổ vi lượng như Obimin chẳng hạn.
• Tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày dưới vòi sen, dùng khăn bông lau hết những mày trắng (cặn dơ) ở đầu vú.
• Tránh tối đa bệnh khi mang thai cũng như cho con bú vì khi bạn uống thuốc sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn sữa trong tương lai của bạn. (Đứa đầu mình bị ho và phải uống thuốc ho lúc gần sinh cũng làm ngực mình giảm sự căng cứng, sữa cũng ít đi).

2. Giai đoạn cho con bú:


• Gần tới ngày sinh các bạn có thể massage nhẹ nhàng bầu ngực dưới vòi sen nước ấm, vẫn luôn vệ sinh ngực sạch sẽ.
• Cho con bú càng sớm càng tốt sau sinh (thông thường được khuyên là cho con bú nửa tiếng sau sinh), mình không rõ với các mẹ sinh mổ đã ăn uống gì được chưa nhưng với các mẹ sinh thường như mình thì sau khi bạn được chuyển từ phòng sinh ra phòng hậu sản bạn hãy nhờ người nhà pha liền sữa nóng (sữa bầu hoặc sữa đặc) uống để lấy sức, năng lượng cũng như khơi thông tuyến sữa đồng thời vân vê đầu ti và cho bé bú liền, nếu không cho bé bú liền được thì hãy vân vê đầu ti để kích thích sữa về.
• Khi được về phòng rồi, thường thì bác sĩ, nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn bạn cho con bú mẹ, hoặc trong phòng có thể treo tờ hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ, các bạn hãy đọc kỹ và làm theo từng bước cho bé bú mẹ hoặc vắt sữa ra ngoài cho bé bú. Phòng bệnh viện nơi mình sinh có tờ hướng dẫn đó. Một lưu ý nho nhỏ là khi mới sinh cơ thể hàn, dễ bị lạnh xâm nhập, các bạn cố gắng tránh xa cái điều hòa càng xa càng tốt vì máy lạnh có thể làm ngực bạn cương sữa cứng như đá mà sữa không ra được để cho bé bú. Rất nhiều bà mẹ gặp trường hợp này trong những ngày đầu sau sinh trong đó có mình. Khi gặp trường hợp như vậy các bạn có thể chọn những giải pháp dân gian cũng như hiện đại để giải quyết vấn đề này. Lấy khăn tẩm nước nóng massage ngực, vuốt ngực từ trong ra ngoài đầu ti, hoặc lấy lược chải ra, lấy cơm ruợu xoa lên ngực, lấy lá bắp cải nhúng nước nóng đắp lên ngực,… đồng thời phải chịu khó cho bé bú hoặc dùng tay hoặc máy vắt sữa vắt ra. Lúc này vắt sữa bạn sẽ vô cùng đau đớn nhưng phải ráng chịu đựng vì các con thân yêu thôi. Nếu đau quá không chịu được hãy hỏi các bác sĩ, nữ hộ lý để có lời khuyên, sự trợ giúp tốt nhất dành cho bạn. Nếu ngực bạn cương cứng đến mức nổi hạch nghĩa là bạn đang bị vắt sữa tốt nhất hãy liên hệ một bác sĩ chuyên nghiệp chuyên trị vấn đề tắc sữa giúp bạn.
• Ăn uống các món lợi sữa như cháo móng giò, chân dê, chân chó, thịt gà, thịt heo, cá chép, ăn nhiều thì là và rau mùi trong tháng đầu tiên giúp mẹ thơm sữa và cải thiện lượng sữa cho mẹ, ăn các món giúp sữa mẹ chất lượng. Uống nhiều nước, sữa nhất có thể. Nên uống khoảng 3 lít/ ngày trở lên trong giai đoạn này. Nên uống nước ấm, có thể uống trà vằng, đinh lăng,…
• Vẫn duy trì các viên bổ vi lượng và canxi như Obimin (Obimin plus).
• Ngủ nhiều nhất có thể. Tranh thủ ngủ khi bé ngủ, cố gắng tránh hoạt động nhiều trong tháng đầu vì cơ thể mẹ chưa lại sức, nhờ sự hỗ trợ của gia đình trong việc làm việc nhà, nấu nướng, giặt giũ, chăm bé,…
• Cho bú hoặc vắt sữa nhiều nhất có thể.
• Không nên xông hơ vì cơ thể mẹ mới đẻ rất yếu ớt, khi xông sẽ làm lỗ chân lông giãn nở ra gặp không khí lạnh, gió lạnh dễ bi trúng gió. Nếu có xông thì chọn thời điểm thích hợp khi cơ thể khỏe mạnh, xông nhanh, lau mình nhanh và dùng máy sấy sấy khô tòan thân. Nên giữ ấm cơ thể trong giai đoạn này vì cơ thể mẹ chưa phục hồi.
Ăn, uống, ngủ nghỉ, cho con bú như một vòng tròn khép kín.

Nên chọn cho bé ti mẹ hay ti bình bằng sữa mẹ vắt ra?

Tùy theo khả năng, điều kiện của từng mẹ mà mình chọn cho bé ti mẹ trực tiếp hoặc ti bình bằng sữa mẹ vắt ra.

1. Chọn cho con bú mẹ trực tiếp:


Ưu điểm: Bé bú mẹ trực tiếp là tốt nhất, bé sẽ được uống trọn những giọt sữa tinh túy, nóng ấm nhất từ cơ thể mẹ. Ti mẹ trực tiếp là sự gắn kết yêu thương tuyệt vời nhất. Cảm giác ti mẹ, mẹ cho ti thật đẹp, thật thiêng liêng. Sữa mẹ lúc này là vô trùng tuyệt đối. Bạn nên vắt bỏ đi một vài giọt sữa đầu rồi hãy cho bé ti, cho bé ti cạn bầu bên này rồi hãy chuyển sang bên kia, cho bé ti nhiều lần trong ngày, đêm theo nhu cầu của bé. Thông thường bé ti bạn khoảng 10p là bé đã no rồi, bạn nên cho bé ti thêm để cơ thể nhận lệnh tạo sữa hoặc ti tới khi bé thỏa mãn. Tuy nhiên không cho bé ti lâu (bé ngậm chơi) vì đầu ti mẹ sẽ bị đau dễ dẫn đến viêm vú hoặc bé nuốt phải nhiều không khí gây đầy bụng.


Nhược điểm: Bạn sẽ không cân đong đo đếm được lượng sữa cụ thể như bé ti bình. Nếu bạn có đi đâu ra ngoài thì hãy chuẩn bị tinh thần không ngại ngần vạch áo cho con bú bất cứ chỗ nào. Nếu bạn để bé ở nhà thì phải nhờ người nhà xúc thìa sữa mẹ vắt ra hoặc sữa công thức. Cơ chế ngậm bắt vú mẹ và và bú bình khác nhau. Khi bú mẹ miệng bé mở rộng ôm trọn quầng vú mẹ, bé phải làm việc cật lực để ép tia sữa giúp tiết sữa ra. Nếu bạn ở nhà chăm bé được thì hãy cho con bú sữa mẹ là tốt nhất. Khi cho bú mẹ thì không nên cố gắng vừa cho con bú mẹ vừa tập cho ti bình. Hãy cho con bú nhiều và lâu nhất có thể. Nếu bạn phải đi làm thì sau 4 tới 6 tháng nghỉ thai sản bạn sẽ phải quay trở lại công sở. Trước khi quay lại công sở nửa tới 1 tháng mẹ tập cho bé ti bình cũng không muộn. Bạn đừng cố gắng luyện bé bú bình nếu bé ti mẹ trong giai đoạn thai sản. Đa số các bé chỉ chọn một trong hai, hoặc ti mẹ, hoặc bú bình. Chỉ có vài bé mới bú được cả mẹ và bình. Mà với bú bình việc tiết sữa rất dễ dàng, bé ko phải nhọc công như bú mẹ. Khi bú như vậy chuyển sang mẹ bé bú nhơi nhơi. Không làm việc cật lực dẫn đến bé ko nhận đủ lượng sữa cần thiết còn mẹ lâu dần sẽ giảm lượng sữa dẫn đến mất sữa. Khi bạn đã quyết định tập ti bình cho con thì có thể bạn sẽ phải hi sinh việc cho con bú, có thể bạn sẽ thành công hoặc không thành công trong việc cho con ti bình bởi vì bạn không thể chịu đựng được tiếng khóc của con khi con khóc đói, đòi ăn thế là bạn lại vạch áo lên và cho con ti và việc luyện cho con bú bình lại đi tong. Bạn có thể nhờ người nhà, bố bé, ông bà, người trông trẻ cho bé ti bình, bạn hay đi đâu đó trong vài tiếng. Nếu bạn luyện cho bé ti bình bé sẽ ngửi thây hơi mẹ và không chịu ti bình thế là bé sẽ khóc nhặng lên và trái tim bạn không đủ kiên nhẫn để tập cho bé ti bình nữa. Ngoài ra nếu bạn muốn cho bé ti mẹ mãi thì chỉ có cách xúc thìa cho bé khi bạn quay trở lại công sở mà thôi. Bạn hãy nhờ người nhà cho bé ăn khi bạn đi vắng và sắp xếp thời gian tranh thủ về với bé nhiều nhất có thể và cố gắng cho bé ti suốt đêm nếu được. Tuy nhiên có nhiều bé quen ngủ cả đêm từ tháng thứ 2, tháng thứ 3 thì sẽ khó để bé bú mẹ được cả đêm và khi bé giảm bú mẹ đồng thời sữa mẹ sẽ giảm theo.

2. Chọn cho bé bú sữa mẹ bằng bình sữa mẹ vắt ra:


Ưu điểm: Bạn cân, đong đo đếm được lượng sữa mẹ mà con ăn được. Chủ động sắp xếp, quản lý được thời gian, công việc của mình. Bạn có thể mang bé và mang sữa theo hoặc để sữa ở trong tủ lạnh để người nhà hâm lên cho bé ti bằng bình. Ai trong nhà bạn cũng có thể giúp bạn cho bé bú. Không phải cai sữa cho con.


Nhược điểm: Sữa mẹ kém tươi hơn khi vắt ra, phải vệ sinh tay, dụng cụ vắt thật sạch sẽ. Cách rách, mất thời gian,.. Con sẽ xấu hổ quay mặt đi khi nhìn thấy ti mẹ đấy và bé chẳng bú đâu. Minh Châu nhà mình đã biết xấu hổ quay mặt đi rồi đấy. Bảo Ngọc thì bây giờ không biết ti mẹ là cái gì nữa.
Cho bú bình bằng sữa mẹ vắt ra là phương án tối ưu cho các mẹ phải đi làm. Mẹ vắt đều đặn nhiều lần (11, 12 lần) trong tháng đầu không kể thời gian ngắn dài, bạn vắt cho đến khi nào bạn cảm thấy đau thì dừng. Thông thường thời gian đầu bạn chỉ cần vắt 5p tới 15p mỗi bên thôi, lâu hơn mình tin bạn sẽ không chịu nổi vì đau vì thời gian đầu sữa mẹ chưa về nhiều đúng theo nhu cầu cơ thể của mẹ. Vài ngày đầu sau sinh có thể bạn sẽ vắt được rất ít sữa mỗi bên (5ml, 10ml, 15ml, 20ml,…). Đừng nản, hãy kiên trì vắt bởi vì thời gian này nhu cầu của em bé rất ít. Gom gió sẽ thành bão, những ngày đầu tiên trong viện mình vắt được có như vậy thôi. Mình cũng chịu sự gièm pha của nhiều người nhưng mình có niềm tin sắt đá rằng lần này mình sẽ nuôi con được bằng sữa mẹ. Những ngày đầu tiên mình cũng không đi lại nhiều, bé chỉ có ăn và ăn, mình vắt điên cuồng, tắc sữa, ngực căng, sữa tiết ít nhưng mình vẫn kiên nhẫn. Gom mãi mình với vắt được 180ml, 200ml. Rồi mình bị stress vị tắc sữa nữa, làm đủ trò, chườm khăn nóng, đắp lá bắp cải,.. Nhưng vẫn quyết tâm vắt bằng máy còn bé thì vừa bú sữa mẹ vắt ra, vừa bú sữa ngoài vì mình không đủ can đảm để bé đói. Qua ngày thứ 3 thì mình giảm tắc sữa, ngực bớt cứng như đá, ngực mềm hơn nghĩa là sữa có thể tiết ra được. Cứ như thế đến khi xuất viện về nhà đều đặn vắt sữa của mình tăng lên dần tới 300ml, 400ml, 500ml.. 800Ml tới 900ml trong tháng đầu tiên. Cảm giác có sữa thật thích, thật hạnh phúc vô cùng. Mình vẫn kiên trì ngày đêm vắt sữa như thế trong tháng đầu tiên. Rồi sang tháng thứ 2 mình giảm xuống 10 cữ vắt/ ngày vì quỹ thời gian eo hẹp. Lúc này mình đã vắt được lên 1.1l rồi. Con lúc này còn nhỏ bú chẳng hết được, bé lớn cũng được hưởng của em. Dần dần khi bạn đạt được đến lượng sữa mong muốn bạn có thể giảm cữ vắt ở những tháng sau (tối thiểu là 4 cữ) khi con đã tập ăn dặm. Mình không ngờ càng vắt sữa càng tăng lên nhiều như vậy, kịch kim đã đạt được 1.65l/ ngày. Điều mà mình có nằm mơ cũng không thấy ở đứa đầu. Đứa đầu mình cũng rơi vào tình trạng đại đa số các mẹ gặp phải và than rằng mình không có sữa hoặc không có đủ sữa cho con bú. Bé đầu nhà mình ngay từ trong viện đã ti sữa công thức mà chê ti mẹ, mình cũng sắm máy vắt sữa một bên nhưng do không có kiến thức gọi sữa về, vắt sữa đều đặn nên bao nhiêu món ăn lợi sữa cứ tích vào cơ thể mẹ hết. Tháng đầu sữa chảy ướt áo nhưng vắt ra được vài giọt lại nghĩ mình ít sữa. Ai đến cũng hỏi thăm bé bú mẹ hay bú sữa công thức. Trả lời sữa công thức mà buồn ghê. Rồi vì thế mà lỡ có Bảo Ngọc luôn mặc dù chưa thấy đèn đỏ gì cả. Thế là đứa sau mẹ cháu đi ngâm cứu mấy vụ sữa mẹ. Cũng phải cảm ơn mẹ Mèo Bầu ở trên WTT rất nhiều vì đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu cùng một số mẹ khác. Ngay tháng cuối trước khi sinh mẹ cháu đã liên hệ thuê máy vắt sữa và dự định mua nếu nhiều sữa cho con. Mình quyết định chọn máy vs 2 bên vì giúp tiết kiệm thời gian vắt, nhàn hơn, không phải cầm máy khi vắt, giúp bạn không bị lệch ngực như máy vắt một bên. Có rất nhiều thương hiệu để bạn lựa chọn nhưng mình chọn Medela cụ thể là Medela Pump in style advance plus. Mình không có ý quảng cáo cho hãng này nhưng cho tới nay mình vẫn dùng ngon mà chưa gặp bất kỳ sự cố nào. Máy này còn có thể sử dụng pin tiểu phòng khi mất điện hoặc đi làm nơi không có ổ cắm. Nếu bạn đi làm thì nên kiếm thêm đá khô để trữ sữa mang từ chỗ làm về nhà.
Sữa mẹ vắt ra thì mình check trên mạng tùy theo từng người tư vấn nha:
2 – 6 tiếng ở nhiệt độ phòng 26oC
1-3 ngày trong ngăn mát tủ lạnh 4 – 8 oC
1 – 3 tháng trên ngăn đá
3- 6 tháng đối với tủ đông.
Trữ sữa bằng bình sữa có nắp đây, bình thủy tinh hoặc túi chữ sữa của Medela, Lasinoh,…
Vệ sinh máy vắt sữa: Tráng sạch bằng nước máy, rửa bằng nước rửa chén hoặc rửa bình, tráng lại bằng nước sạch sau đó tráng hoặc luộc nước sôi. Lưu ý không dùng chổi cọ khi rửa cái màng trắng vì dễ rách. (Mua lại khó và đắt, khoảng 40,000 VND/ cái). Vẩy kỹ, để ráo rồi cho vào túi Zip Lock cất trong ngăn mát tủ lạnh là đảm bảo nhất khi nào vắt thì lấy ra hoặc chụp nilon lại để nhiệt độ phòng khi cần dùng.
Ngoài ra để nhận biết sữa mẹ có chất lượng không bạn hãy xem sữa của bạn có đóng váng béo nhiều không khi để trong ngăn mát tủ lạnh? Sữa càng có váng béo và vàng chứng tỏ độ đạm cao, phần này giúp bé tăng cân mạnh, phần sữa trong giúp bé tăng đề kháng mà sữa công thức không thể có được. Nếu sau một thời gian mẹ ăn uống không đủ chất, mẹ đi làm thì sữa mẹ sẽ giảm chất đi đấy. Sữa buổi sáng sẽ nhiều sữa trong vì sau một đêm thức dậy mẹ sẽ nhiều sữa hơn. Tốt nhất trước khi đi ngủ mẹ nên uống 1 ly sữa công thức sữa mẹ sẽ bớt trong vào buổi sáng. Nếu sữa mẹ nhiều thì bỏ bớt phần trong đi nhé. Bảo Ngọc nhà mình tháng 3, tháng 4 không tăng kg mấy do một số lý do như bị chị Minh Châu phá quấy dẫn đến sinh hoạt đảo lộn, ngủ ngày ăn đêm, ăn chậm, bữa nối bữa, mẹ buổi sáng vắt được nhiều hòa lần trong và béo để con bú tới trưa luôn. Cách để cải thiện nếu sữa mẹ trong nhiều: Mẹ lại tăng cường ăn những món có chất cho sữa có chất, mẹ uống sữa bầu, vẫn duy trì uống viên bổ vi lượng và canxi, nên bổ sung cho bé canxi-D cho các bé bú mẹ hoặc tắm nắng thường xuyên. Theo dõi cân nặng thường xuyên trong 6 tháng đầu đời để kịp thời điều chỉnh khi chăm con. Bạn có thể pha một muỗng sữa công thức với một ít nước rồi hòa lẫn với sữa mẹ hoặc bỏ một muỗng sữa công thức trực tiếp vào bình cho bé bú. Có một số bài báo nói là sai lầm khi mix như vậy nhưng đó lại là kinh nghiệm của các mẹ và thậm chí bác sĩ ở Trung Tâm Dinh Dưỡng cũng khuyên bạn như vậy khi con bạn không lên kg dó sữa mẹ giảm chất béo do mẹ ăn uống kém, làm việc nhiều, căng thẳng,.. Đây là bước đệm nếu bạn muốn con bạn bụ hơn một chút con không muốn con doi doi người cũng không sao cả.Tốt nhất nên cho bé dùng sữa mẹ hoàn tòan trong 6 tháng đầu đời.
Mình đợt Tết vừa rồi cũng phải giảm cữ nhiều, vắt được có 4, 5 lần ngày và con mình tại thời điểm đó được tròn 4 tháng thì sữa mình giảm từ 1.4l/ ngày với 6 cữ vắt còn 1.2l – 1.35l/ ngày. Nói chung như thế bé cũng bú thoải mái rồi vì con mình bú ít. Với một bé phàm ăn thì trong đời bé bú sữa thì chỉ có thể bú nhiều tới 1.4l mà thôi. Rồi tới giai đoạn ăn dặm bé sẽ giảm dần sữa xuống.

Theo công thức tính để con tăng trưởng tốt thì con cần 150ml sữa/ 1kg cân nặng của con.
Vd: Con mình nặng 7.5 kg x 150ml = 1125ml/ ngày.
Tuy nhiên, sữa mẹ giúp bé hấp thụ tốt và hoàn toàn nên lượng sữa bé cần có thể thấp hơn so với công thức tính trên. Vd: bé nhà mình chỉ bú từ 800ml – 900ml/ ngày từ tháng 1 tới nay bé được 8.5 tháng và bé dài 73 cm, nặng 9.5kg.

Về vấn đề vắt sữa: Sau khi đã vắt đạt đến lượng sữa mong muốn, các tuyến sữa đã thông thì bạn nên vắt trong khoảng 30p cho cả hai bên nhé. Trong vòng 10p – 15p đầu sữa sẽ tiết ra gần như là hết bầu ngực, trong những phút còn lại là để cơ thể nhận lệnh sản xuất sữa. Vì điều kiện chăm con nhỏ nên không phải lúc nào bạn cũng vắt được đủ thời gian trên và các cữ vắt cũng cách nhau đúng từng ấy thời gian. Tùy theo điều kiện chăm con nhỏ mà bạn hãy đi vắt sữa. Nếu cữ trước mới vắt được 10p thì phải chạy đi chăm con vì con khóc thì cữ sau bạn hãy vắt bù lại quãng thời gian đó. Nếu thấy đau thì ngừng tránh trường hợp nứt cổ gà. Nếu có nứt bạn có thể lấy sữa của bạn bôi lên hoặc mua kem trị nứt đầu ti. Các cữ vắt sau cố gắng đừng vắt lâu quá để vết nứt to lên gây đau đớn dẫn đến không vắt được và tắc sữa. Đi tắm nên massage ngực dưới vòi sen nước ấm để kích thích tuyến sữa. Nên vệ sinh ngực sạch sẽ trước và sau khi cho con bú/ vắt tránh viêm vú. Không mặc áo lót có gọng trong thời gian cho con bú nhằm tránh ảnh hưởng tới các tuyến sữa, việc sản xuất sữa. Và điều quan trọng nhất là tránh để bị căng thẳng, stress khi cho bú/ vắt sữa vì căng thẳng không những làm sữa giảm mà còn ảnh hưởng tới chất lượng sữa cho con bú. Khi thấy cơ thể mệt mỏi quá không nên vắt sữa, hãy tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức đã rồi hãy tiến hành vs. Cảm thấy lượng sữa giảm thì hãy ăn lại những món lợi sữa một tg. Mình chỉ ăn các món lợi sữa trong vòng tháng đầu. Ra tháng mình ăn như bình thường. Tránh ăn sam sưa quá ảnh hưởng tới nguồn sữa mẹ cho con bú. Nếu các món ăn lợi sữa + sữa, nước, vắt sữa, ngủ nghỉ vẫn chưa tăng được lượng sữa cần thiết thì mới nghĩ đến thuốc lợi sữa vì những thuốc này ít nhiều cũng không tốt cho con bạn. Tùy mẹ sẽ hợp với loại thuốc lợi sữa nào, có loại thuốc lợi sữa nếu không duy trì thường xuyên sẽ làm giảm lượng sữa mẹ. Để lượng sữa tốt nhất nên ăn đủ cơm, xôi và các món ăn bổ dưỡng cho bà mẹ cho con bú. Nên massage ngực trước mỗi cữ vắt sữa hoặc cho con bú. Đối với máy vs, nếu máy có chế độ massage thì bật chế độ massage kích thích tuyến sữa. Nên uống nước nóng, sữa nóng trước mỗi cữ vắt sữa giúp lưu thông tuyến sữa.

Về vấn đề vệ sinh bình sữa, máy hút sữa:, ống, dây: Ngoài những việc vệ sinh bình như trên các bạn có thể mua túi khử trùng bình sữa. Mình có biết Medela có bán túi này. Túi này có thể sử dụng vài chục lần (không nhớ cụ thể số lần). Sau khi xúc rửa bình sạch sẽ, bạn bỏ bình sữa + 60ml nước vào túi, zip lock túi, bỏ vào lò vi sóng bật chế độ vi sóng full công suất trong vòng 3 phút. Lấy ra vắt ráo nước và cất đi.
Về việc hâm sữa cho con: Khi vắt sữa mình cứ lăn tăn về việc mua máy hâm sữa cho con, mình thấy cũng khá tốn kém mà không cần thiết lắm. Sữa để ngăn mát tủ lạnh bạn cho vào ly nước nóng hâm cho con, nước đầu nguội đổ đi hâm nước 2 là vừa đủ ấm. Không nên hâm sữa bằng lò vi sóng vì làm mất chất của sữa.
Về việc thanh trùng sữa: Có nhiều mẹ thanh trùng sữa cho con để cất lên ngăn đá. Mình cũng không thể kiểm chứng được sữa thanh trùng như vậy có làm mất chất không. Sữa vắt ra, bỏ vào nồi, bỏ lên bếp đun tới 80oC thì tắt bếp, rót vào túi trữ sữa làm lạnh nhanh rồi cất lên ngăn đá. Các mẹ làm cách này khi sữa mẹ bị hoi, không thơm hoặc cảm thấy quy trình vệ sinh bình và vắt sữa không đảm bảo. Tuy nhiên sau khi rã đông sữa mẹ chỉ nên hâm một lần, con uống không hết thì bỏ đi hoặc mẹ or bố bé xử lý nốt. Mình vẫn thường xuyên kiểm tra sữa mình xem chất lượng ra sao. Quả là sữa có đủ cả trong lẫn béo (phần sữa trắng đục) nhiều thì sữa ngon hơn hẳn. Mình may mắn có 2 bé trứng gà, trứng vịt nên hầu như mình không phải hâm sữa cho Bảo Ngọc còn chị Minh Châu được uống sữa hâm để trong ngăn mát tủ lạnh. Không lo vấn đề thừa ế sữa.
Về việc cất trữ sữa trong ngăn mát: Bạn nên để sữa ở bên trong cùng của ngăn mát vì nếu để sữa bên ngòai nhiệt độ không đảm bảo chóng hỏng sữa. Nên ngửi, nếm thử khi mang hâm cho con bú.
Về vấn đề bổ sung sữa ngoài cho con: Cũng như vấn đề tập ăn dặm, phải cho từ ít tới nhiều, từ loãng tới đặc. Có lẽ các mẹ hơi confuse vì mình viết chưa rõ ý lắm. Tốt nhất bạn nên cho bé bú riêng sữa mẹ, riêng sữa công thức. Vd: Con bạn bú 7 cữ/ ngày thì bạn nên cho bé thêm một bình sữa ngòai thôi. Tuy nhiên phai riêng theo đúng chỉ dẫn thường các bé sẽ chê sữa ngòai hoặc phản ứng không tốt với sữa ngòai như nôn, ói, táo bón, rối loạn tiêu hóa,.. Chính vì vậy cách bỏ chung sữa mẹ với sữa công thức nghe thì phản khoa học nhưng phân tích ra thì không phản khoa học tí nào cả vì bạn chỉ nên bổ sung 1 thìa vào một bình sữa khoảng 100ml sữa mẹ trở lên mà thôi. Lý do vì sữa mẹ cũng ngọt và đầy đủ chất rồi, nếu cho nhiều quá sữa sẽ đặc và ngọt quá gây táo bón cho bé. Bạn hay tăng dần số bổ sung sữa công thức vào sữa mẹ vào các cữ khác sau một số ngày sau khi xem phản ứng của trẻ cũng như output của trẻ có tốt không? Có bón không? Ngòai ra nếu bé bú không hết thì nên bỏ đi, không nên giữ lại. Tuy nhiên nếu bé bú sữa mẹ trong vòng 2 tiếng bạn có thể giữ lại, tráng núm, cất tủ lạnh, khi bé dậy cho bú nốt nếu thừa nhiều quá.

Sau khi vắt xong bạn nên rút ống dây bằng silicon trong ra, bật máy lên cho máy chạy không tải 10p cho khô những giọt nước li ti bám bên trong ống. Chú ý làm thường xuyên sau mỗi lần vắt thì bạn sẽ ko lo dây bị mốc và phải mua dây mới nhé. Dây rất là đắt đấy, nghe đâu 250 ngàn/ dây. Nếu lỡ để mốc đen lên thì chỉ còn cách ngâm nước nóng và nước rửa bát, dùng dây kẽm nhỏ buộc bông ở đầu, luồn qua, kéo qua kéo lại để lau chỗ mốc đó rồi xịt vòi nước vô rửa sạch, vẩy ráo, mang dây vào cắm cho chạy ko tải tới khô thì thôi. Tốt nhất nhờ ox làm giùm. Nếu ai mua hàng chính hãng thì mang ra hãng họ vệ sinh giùm nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét